Trong khi ông chủ Facebook đang có tuần trăng mật ngọt ngào, thì cổ phiếu của mạng xã hội này đã mất tới 25% giá trị chỉ sau hai tuần niêm yết. Vì sao vụ IPO đình đám này lại thất bại như vậy ?
>> Facebook đã bốc hơi 25 tỷ USD
>> Những ai được hưởng lợi nhất sau khi Facebook “lên sàn”?
>> Facebook bị kiện về việc phát hành cổ phiếu IPO
>> Cổ phiếu Facebook sẽ chỉ còn 22 USD?
>> Facebook sẽ học theo Apple để né thuế?
Facebook đã IPO rất hoành tráng.
Ngày 29/5, cổ phiếu của Facebook đã giảm còn 29,5 USD. Trước đó, ngay trong phiên chào sàn, Morgan Stanley và các ngân hàng phố Wall đã phải liên tục chống đỡ cho giá cổ phiếu này đứng ở mức 38 USD.
Mặc dù đợt IPO là một thành công lớn cho Facebook và những nhà đầu tư lâu năm của họ, nhưng mức giá chào sàn này là một thất vọng cho nhiều nhà đầu tư đã tranh giành nhau vụ IPO này trong suốt thời gian qua.
Vụ IPO này đã làm bộc lộ những nhược điểm lớn của sở giao dịch chứng khoán Nasdaq, điều đã khiến sự kiện đáng lẽ phải thành công rực rỡ lại trở thành một thất bại ê chề. Sau đây là 4 bài học rút ra đợt chào sàn đáng thất vọng của Facebook.
Các ngân hàng, dẫn đầu là Morgan Stanley đã định giá cuộc IPO này quá cao. Tuần trước khi sắp chào sàn, báo chí đưa tin có rất nhiều người đang tranh giành nhau cổ phiếu mạng xã hội này. Thông tin đó đã tạo điều kiện cho Facebook và những người đứng đằng sau nó, đặc biệt là Morgan Stanley nâng giá cổ phiếu từ mức 28 USD lên tới 38 USD, đồng thời tăng số lượng cổ phiếu bán ra. Nhiều nhà chuyên môn, bao gồm cả các nhà phân tích tài chính và nhà báo – dự đoán ngày chào sàn sẽ là ngày bùng nổ của cổ phiếu hot nhất trong vài năm gần đây. Thậm chí, người khá bảo thủ cũng cho rằng giá cổ phiếu đóng cửa sẽ lên tới 46 USD.
Mặc dù trách nhiệm của công ty đứng ra phát hành là nâng đỡ cho giá chào sàn tốt nhất, nhưng thực tế là Morgan Stanley và các đối tác đã đánh cược trong một cuộc chiến cam go để “chống lưng” cho cổ phiếu của Facebook, và những phút giao dịch cuối cùng của ngày đầu tiên chào sàn đã cho thấy dấu hiệu của sự thất bại. Nhu cầu giả tạo đã bóp méo giá trị thị trường và không thể tồn tại lâu. Ngày thứ Hai, giá cổ phiếu đã rớt đến 11%. Khi Morgan Stanley không còn chống đỡ, thị trường định giá Facebook chỉ khoảng 34 USD, tức là giá trị vốn hóa ít hơn 10 tỷ USD so với giá chào sàn.
Số liệu tài chính cơ bản của Facebook không chứng minh được giá trị cổ phiếu cao như vậy. Dù bị định giá quá cao ở mức 104 tỷ USD, thì với mức 93 tỷ USD sau đó vẫn bị coi là quá cao. Ngay sau đợt bán tháo thảm hại của ngày thứ hai trên sàn, các nhà đầu tư vào Facebook vẫn đánh cược vào niềm tin rằng doanh thu và lợi nhuận của hãng sẽ tăng vọt trong vài năm tới. Với lợi nhuận 1 tỷ USD năm ngoái, Facebook có mức P/E cực kỳ cao là 93.
Theo ước tính của nhà phân tích kỳ cực Henry Blodget, P/E của Facebook thời gian tới ít nhất là 40. Trong khi đó, P/E của Apple là 10 và Google là 12. Trong ngày cổ phiếu Facebook giảm 11% thì Apple tăng tới 6% và Google tăng 2,3%. Điều này dường như cho thấy các nhà đầu tư đang lựa chọn phương án an toàn thay cho mạo hiểm cùng Facebook.
Trong khi đó, tốc độ tăng doanh thu của Facebook đang chậm lại, và nhiều câu hỏi đang đặt ra về lĩnh vực kinh doanh quảng cáo của công ty. Mark Zuckerberg đã cho thấy rõ quan điểm rằng anh ưu tiên trước hết là cho mạng xã hội hơn là lợi nhuận. Vì vậy, nhà đầu tư nên cân nhắc khi mua cổ phiếu, cho dù giá có giảm hơn nữa. Liệu giá của Facebook có thực là 30 USD/cổ phiếu không? Chúng ta nên đợi thêm một hai quý tới để hiểu rõ hơn về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của công ty, nhằm xác định giá trị thực sự cho cổ phiếu này.
Nasdaq không thể chỉ dựa vào những cuộc IPO đình đám. Sở giao dịch chứng khoán Nasdaq đã vận động hành lang rất mạnh mẽ để giành quyền chào bán Facebook với đối thủ là NYSE Euronext. Thế nhưng khi ngày trọng đại đến, hệ thống của sàn lại trục trặc. Giao dịch đã bị trì hoãn hơn 30 phút do rắc rối trong khớp lệnh mua và bán. Giao dịch hàng triệu cổ phiếu đã không được xác nhận và một số nhà đầu tư không nhận được thông báo khớp lệnh nhiều giờ sau đó, thậm chí cho đến hôm sau.
Sự việc này khiến một số nhà đầu tư nản lòng không muốn giao dịch thêm và điều đó đã phá hỏng bữa tiệc lớn của Nasdaq. Một giám đốc giao dịch còn gọi đó là “sự thể hiện kém cỏi nhất trong các cuộc IPO từ trước đến nay”.
Có một điều chắc chắn là: Nasdaq đã phải chịu nhiều chỉ trích về một trong những thời điểm đáng tự hào nhất của mình, khi đón một cuộc IPO tiếng tăm nhất trong vòng 10 năm qua. Robert Greifeld, giám đốc Nasdaq OMX Group cho biết “Thật tiếc đó lại không phải là thời điểm dễ chịu gì”. Ông đổ lỗi cho phần mềm giao dịch của Sở đã được thiết kế kém, điều thật là mỉa mai đối với một sàn giao dịch nổi tiếng dành cho các công ty công nghệ. Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ đang tiến hành điều tra về vụ việc này tại Nasdaq và kết quả điều tra chắc chắn sẽ không hay ho gì danh tiếng của Nasdaq.
Các nhà đầu tư thông thường nên tránh xa những cuộc IPO hoành tráng kiểu như Facebook. Thật là một bằng chứng đáng buồn cho tình trạng hiện nay của thị trường vốn khi mà công chúng lại được khuyên nên tránh xa những cuộc IPO lớn. Mục đích chung của các cuộc IPO là để các công ty huy động vốn phát triển kinh doanh, đồng thời cho các nhà đầu tư cơ hội để sở hữu một phần của những công ty tiềm năng nhất.
Nhưng sự thật là giá trị của Facebook đã tăng một cách quá lớn – nhờ có một lượng lớn vốn mạo hiểm 2,2 tỷ USD – dẫn đến việc vào thời điểm cuộc chào bán được đưa ra công chúng thì giá đã được đẩy lên quá cao. Nói cách khác, nhiều nhà đầu tư và công ty sừng sỏ (bao gồm cả Goldman Sachs, đã đầu tư 500 triệu USD năm ngoái) đã đẩy giá quá cao khiến các nhà đầu tư phổ thông bị mắc lỡm.
Một chuyên gia cho rằng :”Hệ thống IPO chỉ phản ánh đúng giá trị khi nó duy trì được sự cân bằng giữa các nhà đầu tư công chúng và đầu tư riêng lẻ. Nếu sự cân bằng bị phá vỡ và hầu như tất cả các lợi thế đều dành cho phía nội bộ công ty, thì các nhà đầu tư thông thường nên từ chối tham gia trò chơi này. Một cuộc IPO thất bại sẽ gây thiệt hại cho tất cả các bên”.
Thật là một điều hổ thẹn khi cuộc IPO được mong chờ nhất trong nhiều năm gần đây đã bị phá hỏng bởi sự định giá tham lam, chưa kể đến sự cố ngay trong ngày giao dịch đầu tiên. Một số người cho rằng việc không có sự bùng nổ trong những ngày lên sàn đầu tiên là một điều tốt – bởi nếu không các nhà đầu tư phổ thông còn bị thiệt hại nhiều hơn. Đó cũng là một bài học khiến các ngân hàng và công ty chứng khoán phải thận trọng hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất là vụ IPO của Facebook đã thêm một lần nữa chứng minh quan điểm rằng Phố Wall là nơi tạo cơ hội cho những công ty và các ngân hàng lớn “rút túi” những người dân Mỹ bình thường.
Theo VnMedia
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét